27 Tháng Tư, 2024

Kinh Nghiệm Thanh Tra Bảo Hiểm Xã Hội (BHXH)

5/5 - (1 bình chọn)

Thanh tra bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những hoạt động diễn ra thường xuyên của cơ quan nhà nước để kiểm tra quá trình hoạt động của các doanh nghiệp.

Vậy quy định về việc thanh tra bảo hiểm xã hội cụ thể như thế nào? Các trường hợp nào bị thanh tra bảo hiểm xã hội? Thanh tra bảo hiểm cần chuẩn bị những gì?

Cùng Kỹ Năng CB theo dõi đến cuối bài viết để tìm ra câu trả lời và đúc kết những kinh nghiệm thanh tra bảo hiểm xã hội cùng các chuyên gia nhân sự nhé!

>>> Xem thêm: REVIEW Khóa Học Bảo Hiểm Xã Hội (Online & Offline) Tốt Nhất

1. Thanh tra bảo hiểm xã hội là gì?

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Vậy thanh tra bảo hiểm xã hội là gì?

Hằng năm hoặc có thể là đột xuất, cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các đơn vị công ty, doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm cho người lao động.

>>> Xem thêm: Các chế độ bảo hiểm xã hội là gì?

Thanh tra bảo hiểm xã hội là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành bảo hiểm xã hội, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành bảo hiểm xã hội, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Tại Điều 13 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 có nêu:

– Thanh tra lao động – thương binh và xã hội thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về thanh tra.

– Thanh tra tài chính thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về quản lý tài chính bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về thanh tra.

– Cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Những quy định về việc thanh tra bảo hiểm xã hội

Việc thanh tra bảo hiểm xã hội có thể diễn ra bất kỳ thời điểm nào trong năm. Mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để từ đó có sự thay đổi hợp pháp. 

Dưới đây là một số quy định về tranh tra bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp cần nắm:

2.1. Nội dung thanh tra bảo hiểm xã hội

Căn cứ theo khoản 1 Điều 17 Quy định hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và hoạt động kiểm tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam Ban hành kèm theo Quyết định 1518/QĐ-BHXH năm 2016 quy định như sau:

Nội dung thanh tra, kiểm tra

1. Nội dung TTCN về đóng BHXH, BHTN, BHYT: Đối tượng đóng, mức đóng, phương thức đóng BHXH, BHTN, BHYT.

2. Nội dung kiểm tra:

a) Việc thực hiện các quy định của pháp luật, hướng dẫn của BHXH Việt Nam về BHXH, BHTN, BHYT của các cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng lao động và cá nhân; công tác quản lý, thực hiện chi trả, thanh quyết toán các chế độ BHXH, BHTN, BHYT;

b) Việc ký, thực hiện và thanh lý hợp đồng theo quy định của pháp luật đối với các đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT; đại diện chi trả BHXH; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT;

c) Công tác phòng chống tham nhũng; việc chấp hành các quy định của pháp luật và của BHXH Việt Nam trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của công chức, viên chức và lao động hợp đồng thuộc hệ thống BHXH Việt Nam;

d) Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo theo các quy định của pháp luật và của Ngành đối với cá nhân, tổ chức trong hệ thống BHXH Việt Nam;

đ) Việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Các nội dung khác theo yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra, kiểm tra.

Như vậy, thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội là thanh tra những nội dung sau:

  • Đối tượng đóng bảo hiểm xã hội;
  • Mức đóng bảo hiểm xã hội;
  • Phương thức đóng bảo hiểm xã hội.
  • Và các nội dung khác theo yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra.

2.2. Thời hạn thực hiện thanh tra bảo hiểm xã hội

Theo khoản 1 Điều 18 Quy định hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và hoạt động kiểm tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam Ban hành kèm theo Quyết định 1518/QĐ-BHXH năm 2016 quy định về thời hạn thực hiện thanh tra như sau:

Thời hạn thực hiện thanh tra, kiểm tra

1. Thời hạn của cuộc thanh tra, kiểm tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra, kiểm tra đến ngày kết thúc việc thanh tra, kiểm tra tại nơi được thanh tra, kiểm tra. Việc kéo dài thời hạn thanh tra, kiểm tra do người ra quyết định thanh tra, kiểm tra quyết định nhưng không quá thời gian quy định tại Khoản 2, 3 Điều này.

Theo đó, thời hạn của cuộc thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra.

Việc kéo dài thời hạn thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội do người ra quyết định thanh tra quyết định nhưng không quá thời gian thực hiện một cuộc thanh tra chuyên ngành.
Thời gian thực hiện một cuộc thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội được quy định:

Theo khoản 2 Điều 18 Quy định hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và hoạt động kiểm tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam Ban hành kèm theo Quyết định 1518/QĐ-BHXH năm 2016 quy định như sau:

Thời hạn thực hiện thanh tra, kiểm tra

2. Thời hạn thực hiện một cuộc TTCN được quy định như sau:

a) Cuộc TTCN do BHXH Việt Nam tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày;

b) Cuộc TTCN do BHXH tỉnh tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày.

3. Thời hạn thực hiện một cuộc kiểm tra được quy định như sau:

a) Cuộc kiểm tra do BHXH Việt Nam tiến hành không quá 40 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 60 ngày;

b) Cuộc kiểm tra do BHXH tỉnh tiến hành không quá 25 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 40 ngày.

Theo đó, thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

  • Cuộc thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày;
  • Cuộc thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội tỉnh tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày.

3. Các trường hợp bị thanh tra bảo hiểm xã hội

Hoạt động thanh tra bảo hiểm xã hội có thể được thực hiện theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên hoặc thanh tra đột xuất. Và các trường hợp thường bị thanh tra bảo hiểm xã hội có thể kể đến dưới đây.

3.1. Trường hợp chậm đóng bảo hiểm xã hội

Căn cứ hướng dẫn tại Quyết định 595/QĐ-BHXH, được sửa đổi bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH, thời hạn đóng bảo hiểm của doanh nghiệp được quy định cụ thể như sau:

  • Đối với số tiền phải đóng hàng tháng: Thời hạn đóng BHXH chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng.
  • Nếu đóng 3 tháng hoặc 6 tháng một lần: Thời hạn đóng BHXH chậm nhất là ngày cuối cùng của phương thức đóng đã chọn. Nếu công ty nợ bảo hiểm trong hơn 30 ngày, công ty sẽ bị tính lãi chậm và bị xử lý vi phạm về hành vi chậm đóng Bảo hiểm Xã hội (theo khoản 3 Điều 122 Luật BHXH năm 2014).

Theo BHXH Việt Nam, những đơn vị sử dụng lao động có khoản nợ trên hai tháng được cơ quan BHXH đề nghị thanh toán đầy đủ vào ngày đầu tiên của tháng sau liền kề. Sau thời hạn này, cơ quan BHXH sẽ tiến hành thanh tra chuyên ngành việc đóng và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Như vậy, đối với doanh nghiệp nợ đóng tiền bảo hiểm thì trên 02 tháng có thể sẽ bị thanh tra.

>>> Xem thêm: Hướng Dẫn Tra Cứu Quá Trình Đóng BHXH Mới Nhất

3.2 Một số các trường hợp bị thanh tra bảo hiểm xã hội khác

Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp có những dấu hiệu sau đây thì cũng sẽ bị thanh tra:

  • Đăng ký lùi thời hạn bắt đầu đóng BHXH; Người lao động hưởng chế độ thai sản được trả lương cao hơn và thời hạn đóng ngắn hơn; Không thông báo kịp thời về các khoản tăng đóng góp BHXH dựa trên mức lương tối thiểu vùng
  • Tiền lương và người lao động kê khai trong phiếu lương nộp cho Cơ quan thuế khác với mục lương và người đăng ký BHXH (Trường hợp này vừa bị thanh tra bảo hiểm xã hội vừa bị thanh tra thuế.)
  • Một số trường hợp khác, mặc dù không phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm nhưng đơn vị cũng có thể bị thanh tra theo kế hoạch, chương trình của cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội.

Tóm lại, có 02 đối tượng bị thanh tra của cơ quan BHXH là:

  • Một, đơn vị đã được cơ quan BHXH kiểm tra phát hiện vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nhưng chưa khắc phục trong thời hạn quy định.
  • Hai, Đơn vị chưa được kiểm tra nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHXH.

4. Thanh tra bảo hiểm xã hội cần chuẩn bị những gì?

Căn cứ theo điều 43 quyết định 959/2015/QĐ-BHXH quy định về thanh tra kiểm tra đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định rõ nhưng nội dung cần chuẩn bị cho thanh tra bảo hiểm xã hội.

4.1. Kiểm tra đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

Hằng năm bảo hiểm xã hội tỉnh, bảo hiểm xã hội huyện tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

a. Nội dung kiểm tra gồm

  • Tình hình đóng BHXH, BHYT, BHTN: số lao động, tiền lương làm căn cứ đóng, chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN; hồ sơ đăng ký tham gia, đóng BHXH, BHYT của đơn vị, người lao động.
  • Hồ sơ làm căn cứ điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH, thẻ BHYT; truy thu BHXH, BHYT, BHTN.

b. Phương pháp kiểm tra

Căn cứ tình hình cụ thể của địa phương và kế hoạch kiểm tra do BHXH Việt Nam giao hằng năm, BHXH tỉnh, BHXH huyện lập kế hoạch kiểm tra đối với các đơn vị đang tham gia BHXH, BHYT; Báo cáo UBND cùng cấp để có kế hoạch phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền hoặc thành lập đoàn kiểm tra để tổ chức thực hiện. Các bước tiến hành:

  • Căn cứ bảng kê hồ sơ đăng ký và hồ sơ điều chỉnh của đơn vị gửi cơ quan BHXH trong quá trình đóng BHXH, BHYT, BHTN, các thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT của đơn vị và người lao động do cơ quan BHXH gửi hằng tháng, hằng năm để kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ, chứng từ đóng BHXH, BHYT, BHTN tại đơn vị như danh sách lao động trong biên chế của đơn vị, danh sách trả lương, HĐLĐ, các quyết định của đơn vị đối với người lao động; các chứng từ chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN.
  • Kiểm tra các loại giấy tờ làm căn cứ truy thu BHXH, BHYT, BHTN; điều chỉnh các yếu tố về nhân thân; điều chỉnh làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo bảng kê (Phụ lục 02, Mục I Phụ lục 03).
  • Lập biên bản kiểm tra.
  • Giải thích, hướng dẫn đơn vị khắc phục các sai sót, nhầm lẫn trong quá trình đóng BHXH, BHYT, BHTN theo đúng quy định của pháp luật. Các trường hợp đơn vị kê khai thiếu lao động hoặc kê khai nhầm mức tiền lương của người lao động thì yêu cầu đơn vị kê khai điều chỉnh và đóng theo đúng quy định.
  • Đối với những trường hợp vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN như trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN; đóng không đúng tiền lương của người lao động, thu tiền của người lao động nhưng không đóng, đóng không kịp thời, đóng không đủ số tiền phải đóng; khai man, giả mạo hồ sơ thì lập biên bản và kiến nghị thanh tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

c. Kế hoạch kiểm tra

– Kiểm tra định kỳ: Hằng năm, BHXH tỉnh xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra thấp nhất đạt 25% số đơn vị, cơ quan quản lý đối tượng trên địa bàn.

– Kiểm tra đột xuất: Căn cứ tình hình đóng BHXH, BHYT, BHTN; truy đóng BHXH, BHYT, BHTN; số lượng đơn vị, doanh nghiệp, số người thuộc diện tham gia BHXH, BHYT, BHTN; số đơn vị, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, tiền lương đóng BHXH, BHYT để lập kế hoạch và tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất tại đơn vị theo quy định của pháp luật.

4.2. Thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

Từ ngày 01/01/2016, hằng năm BHXH tỉnh, BHXH huyện tổ chức thanh tra việc đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với đơn vị trên địa bàn như sau:

a. Đối tượng thanh tra

– Đơn vị đã được cơ quan BHXH kiểm tra phát hiện vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nhưng chưa khắc phục trong thời hạn quy định.

– Đơn vị chưa được kiểm tra nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN

b. Nội dung, kế hoạch, phương pháp thanh tra

Thực hiện theo Văn bản quy định của Chính phủ và hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Đơn vị mang 01 bộ hồ sơ gốc để kiểm tra và 01 bộ hồ sơ phô tô để lưu tại cơ quan BHXH. Doanh nghiệp cần chuẩn bị những chứng từ sau khi cơ quan bảo hiểm thanh tra kiểm tra:

  • Bảng lương;
  • Hợp đồng lao động;
  • Danh sách trả lương;
  • Hồ sơ đăng ký tham gia, đóng BHXH, BHYT;
  • Bản photo sổ BHXH của người lao động;
  • Báo cáo tình hình sử dụng lao động;
  • Khai trình sử dụng lao động;
  • Giấy nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN;
  • Quyết định của doanh nghiệp đối với người lao động;
  • Các chứng từ chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Đối với một số trường hợp đặc biệt cần thêm những giấy tờ khác như:

  • Đối với trường hợp đề nghị thoái giảm bổ sung: Quyết định chấm dứt hợp đồng của lao động đề nghị thoái giảm; Quyết toán thuế TNCN, bảng công, bảng lương của công ty tại thời điểm đề nghị truy giảm
  • Đối với trường hợp xác minh để thanh toán thai sản cần thêm: Sổ BHXH và giấy khai sinh con của lao động thai sản; Nếu sau thai sản nghỉ chấm dứt hợp đồng lao động phải có quyết định chấm dứt hợp đồng kèm theo

5. Kinh nghiệm thanh tra bảo hiểm xã hội

Một số kinh nghiệm trong công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế bạn nên biết.

5.1. Một vài chú ý về chuẩn bị giấy tờ khi có cơ quan BHXH xuống thanh tra

a. Hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động: phải ghi đủ các nội dung được ký, đóng dấu đầy đủ hai bên. Chữ ký trên hợp đồng lao động phải giống với chữ ký trên bảng thanh toán lương và sơ yếu lý lịch. Ký khác quá là Bảo hiểm yêu cầu ký lại.

Hợp đồng lao động thời vụ: một số đơn vị bảo hiểm yêu cầu phải tính ra chẵn tháng ví dụ là 1.5 tháng hoặc 2 tháng, không được ghi số ngày 45; 85 ngày.

Làm giống với hợp đồng đã gửi cho bên phòng lao động thương binh xã hội khi “đăng ký sử dụng lao động”. Lập cả cam kết 23/CK–TNCN hoặc 02/CK–TNCN kẹp cùng hợp đồng lao động.

Hợp đồng lao động có thời hạn lớn hơn 3 tháng: Nếu không đóng bảo hiểm thì phải có thẻ bảo hiểm còn giá trị sử dụng.

Hợp đồng lao động với người đã qua độ tuổi lao động: Phải bổ sung Sổ BHXH; quyết định hưu, quyết định hưởng mất sức,….

>>> Xem thêm: Hợp Đồng Lao Động Là Gì Các Loại Hợp Đồng Lao Động

b. Sơ yếu lý lịch của tất cả lao động đang sử dụng

Trong công văn BH chỉ yêu cầu “sơ yếu lí lịch” nhưng để chắc chắn thì chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ (tất cả giấy tờ đều phải được công chứng) gồm:

  • Sơ yếu lý lịch
  • Chứng minh thư/ hộ chiếu
  • Giấy khám sức khoẻ + Sổ lao động (nếu có)
  • Giấy chứng nhận hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú
  • Bằng cấp và chứng chỉ liên quan

c. Bảng chấm công và bảng thanh toán lương

Thời gian lập bảng chấm công và bảng thanh toán lương: từ khi người lao động mà doanh nghiệp đang báo giảm / thanh toán trợ cấp bắt đầu đi làm hoặc từ khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động (trường hợp đặc biệt) đến thời điểm báo giảm.

Thời gian chấm công và tính lương phải khớp với thời gian ghi trong hợp đông lao động. Chữ ký trên bảng thanh toán phải khớp với trên hợp đông lao động và các chứng từ xin việc.

Để chắc chắn bạn chuẩn bị thêm cả phiếu chi thanh toán lương (thanh toán lương bằng tiền mặt) hoặc danh sách thanh toán kèm uỷ nhiệm chi (nếu doanh nghiệp thanh toán lương qua chuyển khoản).

>>> Xem thêm: Mẫu Bảng Chấm Công Excel – Cách Làm Bảng Chấm Công Chi Tiết

d. Đăng ký thang bảng lương

Địa điểm:Tại phòng lao động thương binh và xã hội quận nơi đăng ký trụ sở kinh doanh của đơn vị. Hồ sơ cần chuẩn bị:

  • Biên bản cuộc họp về quyết định thống nhất thang bảng lương
  • Công văn đề nghị đăng ký thang bảng lương
  • Quy chế trả lương
  • Quy định chức danh công việc trong công ty
  • Quyết định ban hành thang bảng lương
  •  Thang bảng lương

e. Đăng ký sử dụng lao động

Địa điểm: Nộp hồ sơ tại phòng lao động thương binh và xã hội quận nơi đăng ký trụ sở kinh doanh củađơn vị. Hồ sơ cần chuẩn bị:

  • Công văn khai trình lao động
  • Danh sách đăng ký sử dụng lao động (xin tại phòng lao động thương binh xã hội quận)
  • Hợp đồng lao động (làm theo mẫu Hợp đồng lao động theo TT 21/2003/TT– BLĐTBXH)

5.2 Xin hoãn thanh tra bảo hiểm xã hội

Khi doanh nghiệp nhận được quyết định thanh tra, trong trường hợp khách quan mà doanh nghiệp không chuẩn bị kịp hồ sơ theo yêu cầu, hoặc người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp không thể có mặt để làm việc với đoàn thanh tra, doanh nghiệp có thể xin tạm hoãn thanh tra.

Để xin tạm hoãn thanh tra bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp làm công văn xin hoãn thanh tra bảo hiểm xã hội và gửi cơ quan ban hành quyết định thanh tra bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp mình trong khoảng thời gian quy định.

Trong trường hợp này Trưởng đoàn tiến hành lập biên bản tạm hoãn thanh tra và xác định lại ngày thanh tra để đối tượng thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật (Mẫu số 03/BB-TT)

5.3 Bị xử phạt ra sao khi không đóng bảo hiểm cho người lao động?

Tại Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP có quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp:

2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
….
3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

Tại Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm:

Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng pháp luật…

Tại Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 có quy định xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội:

“… Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.”

Ngoài việc bị truy thu tiền trốn đóng thì công ty sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm. Công ty sẽ mất thêm một khoản tiền lớn tùy theo số lượng người lao động không được đóng bảo hiểm xã hội (theo điều 26 nghị định 95/2013/NĐ-CP).

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến thanh tra bảo hiểm xã hội và kinh nghiệm thanh tra bảo hiểm xã hội mà Kỹ Năng CB muốn gửi đến các bạn. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết, chúc các bạn nhiều sức khỏe, vui vẻ và hạnh phúc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *